Hết thời làm cây xăng?

Thời đua mở cây xăng là lãi đậm nhờ chiết khấu cao đã qua. Giờ đây, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tính chuyện đóng cửa vì thua lỗ do chiết khấu bất hợp lý mà vẫn phải gồng mình bán.

Đóng cửa 

Bà Doanh, chủ một cây xăng ở TP.HCM, những ngày này đang tính ngừng kinh doanh, ngôi nhà mặt tiền đường do gia đình sở hữu có thể chuyển sang cho thuê, các trụ bơm xăng sẽ được dẹp bỏ.

Theo bà, nhiều người quen cùng bán xăng dầu đã bỏ nghề. Ai đi thuê mặt bằng thì không trụ được, ai có mặt bằng sẵn sẽ cho thuê lại kiếm lời, “dễ thở” hơn. Chưa có cơ quan nào đảm bảo mức chiết khấu được giữ để người kinh doanh xăng dầu không bị lỗ. Mức chiết khấu bán lẻ đang trôi nổi, không xác định. Tối thiểu, cần chiết khấu để cửa hàng đạt điểm hòa vốn, không thể cắm đầu bán lỗ.

Đơn cử, chiết khấu bán lẻ mà cây xăng hiện được hưởng là 700-800 đồng/lít nhưng lên xuống thất thường. “Kỳ tới, nếu doanh nghiệp đầu mối chiết khấu cho cửa hàng xuống mức 300 đồng/lít, với chi phí vận chuyển đã ngốn từ 100-150 đồng/lít, cây xăng bán 1.000 lít thì chỉ lời 150.000 đồng; 10.000 lít mới lời 1,5 triệu đồng (chưa tính chi phí vận hành, trả lương nhân viên). Tuy nhiên, việc bán xăng dầu với số lượng 10.000 lít/ngày là không thể”, bà Doanh cho hay.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP.HCM ngày 26/1, riêng trên địa bàn TP.HCM đã có 4  cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động để giải thể. Còn thông tin tại cuộc họp báo chiều 9/2, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương TP.HCM) cho biết, thành phố có 6 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm dừng hoạt động do giải thể và xin phép sửa chữa.

Tại Đồng Tháp, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này cho hay, có tới 50% trong số cây xăng làm đơn xin tạm dừng hoạt động là vì lý do thua lỗ.

Ông Huỳnh Trần Thanh Phong, chủ cây xăng tại Bến Tre, trong kiến nghị gửi cơ quan chức năng mới đây cho biết, từ tháng 9/2021 tới nay, doanh nghiệp của ông liên tục bị thua lỗ xuất phát từ quy định về chiết khấu. Cụ thể, nhận mức chiết khấu 100-200 đồng/lít xăng với chi phí vận chuyển là 70 đồng/lít, công ty không thể thỏa thuận với đơn vị đầu mối hay có quyền lựa chọn nguồn nhập xăng.

“Tôi đã thua lỗ khoảng 500 triệu đồng nhưng vẫn phải mở cửa bán hàng. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, doanh nghiệp sẽ dừng hoạt động”, ông nêu trong đơn cùng kiến nghị tập thể của khoảng 9.000 cây xăng bán lẻ khác trên cả nước.

“Phải để cây xăng sống được”

Liên quan tới câu chuyện chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, đang có sự nhập nhằng giữa cây xăng lẻ với đơn vị phân phối. Xăng dầu không thiếu trên thị trường, điều quan trọng là phải cho các đơn vị bán lẻ “sống được”. Hoa hồng ít, cây xăng không có lợi nhuận thì họ buộc phải đóng cửa.

Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, chung quan điểm, cửa hàng bán lẻ xăng dầu gặp khó do chiết khấu. Hiện, không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu, Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu, chỉ quản lý giá bán lẻ xăng dầu.

Theo ông Trường, cần quy định cụ thể sau khi tính tất cả các chi phí nhập xăng dầu về đến kho của thương nhân đầu mối, đồng thời cộng thêm tỷ lệ % lãi trên mỗi lít xăng dầu, đảm bảo cho các doanh nghiệp có lãi. Mức chiết khấu giao cho các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối quyết định.

Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh đề xuất, khi Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu, cần tính chi phí đảm bảo cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu có chiết khấu hoa hồng, cần quy định mức chiết khấu/hoa hồng đại lý tối thiểu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận để duy trì hoạt động, từ đó, bảo đảm nguồn cung ứng cho thị trường.

Trong văn bản góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm, khiến các cửa hàng xăng không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.

VCCI lưu ý, trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp buộc phải kinh doanh để cung cấp xăng dầu cho nền kinh tế thì khoản âm chi phí lớn hơn giá bán này chắc chắn sẽ do một chủ thể nào đó trong chuỗi cung ứng gánh chịu.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng: Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu; Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ xăng dầu thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Theo lịch, sáng 14/2, VCCI và Bộ Công Thương sẽ phối hợp tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực xăng dầu.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/het-thoi-lam-cay-xang-2108748.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *